Để chẩn đoán được sa sút trí tuệ đòi hỏi thời gian và công sức cũng như kiến thức chuyên khoa thần kinh tuy nhiên với sự trợ giúp của các tiêu chuẩn trên Bác sĩ đa khoa có thể đơn giản hơn trong việc chẩn đoán, giúp phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời…

Sa sút trí tuệ là một hội chứng suy giảm nhiều khả
năng nhận thức đủ để gây cản trở hoạt động hàng ngày, công việc và quan hệ xã hội.
Đây là một bệnh lý phổ biến ở người cao tuổi với khoảng 25 triệu người trên thế
giới bị sa sút trí tuệ, mỗi 5-9 giây có một ca mới mắc. SSTT là một trong 10
nguyên nhân trong nhóm bệnh không điều trị được; chiếm 8% đứng thứ 11 trong số
các nguyên nhân gây nên những năm sống phụ thuộc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất
lượng cuộc sống bệnh nhân.

Vai trò của Bác sĩ đa khoa trong chẩn đoán SSTT rất
quan trọng vì có đến 74% bệnh nhân tiếp cận Bác sĩ đa khoa khi có tình trạng
hay quên và giảm nhận thức. Tuy nhiên, BS đa khoa bỏ qua đến 91% các trường hợp
sa sút trí tuệ nhẹ vì việc đánh giá chức năng nhận thức bằng các thang điểm quá
mất thời gian và công sức. Sau đây là các thang điểm và tiêu chuẩn giúp chẩn
đoán sa sút trí tuệ:

*Theo tiêu chuẩn DSM-IV:

          A. Suy
giảm nhận thức một trong hai nhóm:

       A1. Suy
giảm trí nhớ (giảm khả năng học các thông tin mới hoặc nhớ lại các thông tin đã
học trước đây).

          A2. Có
rối loạn một (hoặc nhiều) nhận thức sau:

          + Mất
ngôn ngữ.

          + Giảm
khả năng thực hiện các động tác vận động dù chức năng cảm giác còn nguyên vẹn.

          + Không
nhận biết hoặc xác định được đồ vật dù chức năng cảm giác còn nguyên vẹn.

          + Rối
loạn chức năng thực hiện các hoạt động kết hợp (như lên kế hoạch, tổ chức, phân
công theo trình tự).

          B. Suy
giảm nhận thức trong tiêu chuẩn A1, A2 ảnh hưởng đến chức năng nghề nghiệp, xã
hội so với trước.

          C. Bệnh
nhân không bị sảng, các rối loạn không phải là biểu hiện của trầm cảm hoặc tâm
thần phân liệt.

* Một tiêu chuẩn khác để chẩn đoán SSTT được Benson và
Cummings đưa ra: có sự suy giảm 3 trong 5 chức năng về nhận thức:

+ Trí nhớ.

+ Ngôn ngữ.

+ Kỹ năng thị giác không gian.

+ Chức năng thi hành.

+ Nhân cách.

* Thang điểm MMSE (Mini Mental Status Examination) là
một thang điểm đánh giá trạng thái tâm thần kinh thu gọn; được sử dụng để phát
hiện và theo dõi suy giảm nhận thức ở người cao tuổi. Thang điểm từ 0 đến 30 điểm
đánh giá các vùng chức năng: định hướng về thời gian và không gian (10 điểm), sự
ghi nhận (3 điểm), sự chú ý và làm toán (5 điểm), trí nhớ gần (3 điểm), ngôn ngữ
và chức năng thực hiện các hoạt động kết hợp (8 điểm) và cấu trúc thị giác (1
điểm). Khả năng bị sa sút trí tuệ khi bệnh nhân có dưới 25 điểm.

*Thang điểm Mini-Cog do tác giả Soo Borson, Đại học
Washington, Hoa Kỳ, và cộng sự mô tả năm 2000. Thang điểm Mini-Cog kết hợp test
nhớ lại 3 từ (3 item recall test) và test vẽ đồng hồ (Clock Drawing test). Bệnh
nhân được nghe 3 từ quen thuộc, và được yêu cầu nhắc lại sau khi thực hiện xong
test vẽ đồng hồ. Về test vẽ đồng hồ, bệnh nhân được yêu cầu vẽ một vòng tròn lớn,
vẽ thêm đầy đủ các số như số trên mặt đồng hồ, và sau đó vẽ thêm kim dài và kim
ngắn chỉ 2:45. Được xem là vẽ đồng hồ đúng khi đồng hồ có vòng tròn tương đối
kín, đủ số, số đúng vị trí và kim chỉ tương đối đúng 2:45. Bệnh nhân được kết
luận có khả năng bị sa sút trí tuệ khi không nhớ được từ nào hoặc chỉ nhớ được
1-2 từ nhưng lại vẽ đồng hồ không đúng.

Tóm lại: để chẩn đoán được sa sút trí tuệ đòi hỏi thời
gian và công sức cũng như kiến thức chuyên khoa thần kinh tuy nhiên với sự trợ
giúp của các tiêu chuẩn trên Bác sĩ đa khoa có thể đơn giản hơn trong việc chẩn
đoán, giúp phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời.

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Đức Công (2012), Bệnh học người cao tuổi, Nhà xuất bản y
học, tr. 193-264.

2.  Trần Văn Long, Phan Văn Tường, Đỗ Thị
Khánh Hỷ (2013), “Nghiên cứu sàng lọc người cao tuổi có nguy cơ mắc hội chứng
sa sút trí tuệ tại cộng đồng huyện vụ bản tỉnh Nam Định”, Tạp chí y học thực hành, 856(1), tr. 47-50.

3. Vũ Anh Nhị (2013), Sổ tay lâm sàng thần kinh sau đại học, Nhà
xuất bản Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, tr. 54-74.

4. Trần Công Thắng (2011), Giá trị thang
điểm MINI-COG trong tầm soát sa sút trí tuệ, tạp chí
Y Học TP. Hồ Chí Minh,15(2 ), tr. 81-85.

5.      
Trần Công Thắng, Đơn giản hóa trong chẩn đoán và điều trị sa sút trí tuệ, [internet],
[trích dẫn 11/5/16], Lấy từ: http://www.thankinh.org